Một số quan ngại gần đây về nền chính trị Mỹ
“Hỗn loạn” có vẻ là từ vựng được ưa thích của nhiều nhà báo và nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi nói về chính trị Mỹ thời gian qua, thậm chí là tương lai của nền chính trị Mỹ. Trên thực tế, tần suất xuất hiện của khái niệm này tương đối dày đặc khi nói về sự phối hợp nhiều khi thiếu hiệu quả trong hệ thống chính trị Mỹ nói chung và giữa Chính quyền và Quốc hội Mỹ nói riêng trong xử lý nhiều vấn đề (bao gồm cả kinh tế, xã hội, đối ngoại...) trong các năm qua.
Việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời vào năm 2013 thậm chí có thể là một điều gây thích thú với nhiều nhà bình luận chính trị trên khắp thế giới.
Hơn thế, với những gì đã diễn ra trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, nhiều người còn cho rằng chính trị Mỹ đang có dấu hiệu tiếp tục đi vào giai đoạn khủng hoảng và các ứng cử viên Tổng thống Mỹ có thể đã đi quá xa các "giới hạn" cho phép, kể cả trong nền dân chủ kiểu Mỹ.
Tổng Thống mới đắc cử Mỹ - Donal Trump |
Hoạt động và sự phối hợp của bộ máy công quyền tại Mỹ là vấn đề hay bị chỉ trích nhất trong những năm qua. Mặc dù có nhiều nỗ lực và thành tích (nhất là giúp ổn định và phát triển kinh tế Mỹ sau khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 và xử lý nhiều vấn đề an ninh quốc gia. Chính quyền Mỹ cũng hay bị cáo buộc về tình trạng lạm quyền và thiếu trách nhiệm giải trình (điển hình là về trách nhiệm của Tổng thống Obama trong các quyết định tấn công Lybia) bất chấp các quy định của luật pháp Mỹ. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ (nhất là Hạ viện, biểu tượng của nền dân chủ Mỹ) cũng hứng chịu nhiều chỉ trích với các cáo buộc là thiếu các hoạt động đóng góp thực chất cho sự phát triển của Mỹ và có quá nhiều các hoạt động vận động và đấu đá chính trị. Quốc hội Mỹ cũng bị một số chuyên gia cho rằng thiếu khả năng cung cấp các chỉ dẫn pháp lý cần thiết cho hoạt động của các cơ quan và để mặc hậu quả cho hệ thống tư pháp Mỹ.
Việc xử lý một số vấn đề xã hội trong thời gian qua cũng cho thấy những chia rẽ trong hệ thống chính trị Mỹ. Trái với kỳ vọng, lần đầu tiên việc nước Mỹ có một Tổng thống da màu có thể kéo theo sự cải thiện mạnh mẽ về quan hệ giữa các sắc dân khác nhau, những vụ biểu tình phản đối việc lạm dụng sức mạnh của lực lượng cảnh sát trong đàn áp người da màu trong suốt năm 2016 khiến nhiều người được hỏi ý kiến cho rằng tình trạng phân biệt màu da nhìn chung là rất xấu. Nước Mỹ cũng bị chia rẽ mạnh mẽ trong vấn đề sở hữu súng và lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, đại đa số người dân Mỹ ủng hộ hợp pháp hóa ma túy cùng với việc 8 bang và thủ đô Washington D.C. cho phép sử dụng cần sa vì mục đích giải trí. Năm 2015, trước những đòi hỏi mạnh mẽ của dân chúng, Tòa án Tối cao Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm hôn nhân đồng tính vốn đã tồn tại từ rất lâu.
Nguyên nhân nào?
Nguyên nhân cơ bản đầu tiên tác động đến sự phát triển của nền chính trị Mỹ thời gian qua cũng như có thể còn có những tác động dài hạn là sự phát triển kinh tế còn tiềm ẩn một số khó khăn. Những năm qua, kinh tế Mỹ phải trải qua nhiều thăng trầm. Mặc dù vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ không còn duy trì được sức chi phối mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế thế giới cũng như các tổ chức kinh tế quốc tế lớn. Tỷ trọng GDP của Mỹ trong nền kinh tế thế giới cũng giảm từ mức khoảng 30% trong dài hạn xuống còn trên 20% trong những năm qua. Đi kèm với sự suy giảm tương đối trong phát triển kinh tế của Mỹ là tình trạng bất bình đẳng gia tăng trong nội bộ Mỹ. Theo GS. Fukuyama, tình trạng bất bình đẳng bị thúc đẩy do những tiến bộ của khoa học công nghệ và sau đó là tiến trình toàn cầu hóa đã buộc nhiều công nhân Mỹ phải đối diện với tình trạng thất nghiệp và cạnh tranh công việc từ các khu vực khác. Tầng lớp trung lưu của Mỹ không còn chiếm vị trí chi phối trong xã hội Mỹ, đồng thời phải đối mặt với tình trạng thu nhập thực tế bị sụt giảm đáng kể so với 4 thập kỷ trước đây.
Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho rằng những vấn đề mà nền chính trị Mỹ đang phải đối mặt còn xuất phát từ những nguyên nhân dài hạn là nhiều nhóm lợi ích nắm giữ hệ thống chính trị Mỹ, sự méo mó của dư luận và sự thúc đẩy nhiều lúc thái quá của giới truyền thông đại chúng đối với các vấn đề của nước Mỹ. Can thiệp của các nhóm lợi ích vào sự vận hành của hệ thống chính trị Mỹ đã gây ra nhiều phức tạp và không phải lúc nào cũng có thể có giải pháp dung hòa những tác động này (ví dụ như tranh cãi về tác động của các nhóm tài phiệt vào hoạt động của Cục dự trữ Liên bang Mỹ là một chủ đề dai dẳng nhiều năm, thậm chí dẫn đến một số yêu cầu đòi giải thể cơ quan này). Bên cạnh những mặt tích cực, dư luận Mỹ thời gian qua cũng bị chỉ trích là nguyên nhân khiến cử tri Mỹ bị mất phương hướng trong việc theo dõi và bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, việc Tổng thống đắc cử D. Trump từ chối trả lời phóng viên CNN ngày 11/1/2017 là một điển hình của sự chán ghét của giới chính trị đối với sự thái quá của truyền thông.
Sâu xa hơn nữa, nguyên nhân của những diễn biến phức tạp trong chính trị nội bộ Mỹ vừa qua và có thể còn trong nhiều năm tới còn bắt nguồn từ những quy định của luật pháp Mỹ. Mặc dù chứa đựng nhiều yếu tố tích cực và được nhiều học giả ca tụng là có tầm nhìn xuyên thời gian, thực tế Hiến pháp Mỹ cũng chứa đựng những nhân tố tiềm ẩn việc gây bất ổn cho nền chính trị Mỹ, trong đó bao gồm việc cho phép các chính trị gia Mỹ hoạt động khá độc lập và hưởng nhiều đặc quyền quá lớn (vì Mỹ không buộc các chính trị gia phải chịu trách nhiệm với nhau như quy định trong các Hiến pháp khác, Nghị sỹ Mỹ không thể bị sa thải bởi Lãnh đạo Quốc hội Mỹ, Tổng thống Mỹ không bị phế truất chỉ vì bỏ phiếu bất tín nhiệm…). Mặc dù nguyên tắc “kiềm chế và đối trọng” trong tổ chức quyền lực ở Mỹ có nhiều ưu điểm, song cũng bị chỉ trích nặng nề vì đã tạo ra một hệ thống với nhiều cơ quan Chính phủ, giảm bớt sự chặt chẽ của luật pháp, tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích can thiệp nhiều hơn vào sinh hoạt chính trị và sự phát triển của Mỹ.
Triển vọng phía trước
Mặc dù nhiều người cho rằng với việc ông Trump đắc cử Tổng thống, nước Mỹ sẽ chứng kiến một thời kỳ thay đổi lớn, điều này là rất khó khẳng định. Dù tân Tổng thống có tính cách mạnh mẽ và Đảng Cộng hòa sẽ chi phối cả lập pháp và hành pháp, những nguyên nhân cơ bản tác động đến chính trị Mỹ khó có đột biến, nước Mỹ có thể tiếp tục chứng kiến nhiều thay đổi song có thể không giống hình dung của một số người. Khả năng tự điều chỉnh của Mỹ để duy trì khuôn khổ hoạt động bình thường là rất cao, ít nhất do các nguyên nhân sau: Một là, các trụ cột phát triển của Mỹ như văn hóa, luật pháp, kinh tế vẫn còn khá ổn định trong nhiều thập kỷ tới. Hai là, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng thời thế đã tạo ra một Tổng thống như ông Trump (và thậm chí là các cuộc đối đầu quyết liệt giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ như thời gian qua), song khó có khả năng Tổng thống đắc cử sẽ tạo ra được một thời thế hoàn toàn mới. Ba là, “kết thúc là sự khởi đầu mới” vẫn luôn là một trong những ý tưởng quan trọng nhất trong nền chính trị Mỹ, bao gồm cả hàm ý cần quản lý sự thay đổi một cách tích cực để duy trì sự ổn định và phát triển. Có lẽ, dù tương lai luôn khó đoán định và chính trị Mỹ sẽ tiếp tục có các sắc thái mới, mọi việc vẫn nằm trong cái gọi là tình trạng “bình thường mới” của chính trị Mỹ.
TS. Lại Thái Bình - Phó Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Houston, Texas
theo: http://baoquocte.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn