Vượt lên đôi chân tật nguyền
Về thôn Đông Hòa, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hỏi bất kể ai cũng có thể chỉ ngay đến Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật Lại Văn Điệp nằm ở đầu xóm, mọi người còn xung phong đưa đến tận nơi và gọi “ông chủ Điệp đâu ra tiếp nhà báo này”.
Thấy có khách, ông chủ của công ty trong bộ đồ lấm lem bụi, đang ngồi hướng dẫn từng nét chạm cho những người thợ trong xưởng vội ngừng tay, đứng lên. Tôi nhận ra anh ngay vì đã nhìn thấy anh một vài lần khi được vinh danh trên truyền hình.
Trái với vẻ ngoài, anh Điệp nói chuyện rất tự tin, dí dỏm, thu hút người đối diện. Anh bắt đầu kể câu chuyện cuộc đời tật nguyền của mình: năm 1978 khi bố mẹ sinh anh ra, anh hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, nhưng đến 10 tháng tuổi, anh nghe nói bị bệnh bại liệt, hai chân không cử động được. Từ đó, nằm bất động, cuộc sống gắn chặt với chiếc giường.
“Bố mẹ bế tôi đi khắp trong Nam, ngoài Bắc, chữa Đông y rồi Tây y, mãi đến năm 6, 7 tuổi tôi mới có chút cảm giác về đôi chân mình. Tôi thèm muốn được đi lại, chạy nhảy như chúng bạn. Để thỏa nỗi thèm khát ấy, tôi cứ lê lết mông đi từ nhà nọ tới nhà kia, đến nỗi sau này mông, tay chân tôi bị chai sần lại”, anh Điệp kể lại.
GĐ Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ người khuyết tật Lại Văn Điệp đang giới thiệu sản phẩm của
đơn vị mình cho khách hàng.
Anh cho biết, mãi đến năm lên 8 tuổi, anh mới bắt đầu đứng lên chập chững những bước chân đầu tiên với sự trợ giúp của chiếc nạng bằng gỗ ổi. “Lúc đầu tập đi, do chân rất yếu nên tôi ngã không biết bao nhiêu lần. Đau lắm, nhưng không gì có thể ngăn được thèm khát muốn đi được, tôi lại đứng dậy đi tiếp...”.
Tập mãi, đến năm 11 tuổi, anh mới có thể bước đi được, tuy rằng rất khó nhọc. Lúc này, anh mới dám xin bố mẹ cho mình đi học để thỏa ước mơ cắp sách đến trường ấp ủ từ lâu.
Ông Lại Thế Toàn, bố của anh Điệp, năm nay 76 tuổi cho biết, dù 2 chân, 1 tay bị teo, việc sinh hoạt, đi lại hết sức khó khăn song không lúc nào nó (thằng Điệp) từ bỏ ước mơ được học tập.
“Bước đi siêu vẹo thế, nhưng nó chẳng bỏ học buổi nào, nhiều hôm mưa gió bảo nghỉ học ở nhà nhưng nó dứt khoát không chịu nghỉ. Hàng ngày cắp sách đến trường và năm nào cũng là học sinh giỏi…”, ông Toàn tự hào kể về đứa con của mình.
Học hết lớp 9, như bao bạn bè khác, anh cũng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão về con đường học vấn của mình, mong có một ngày được bước chân vào cổng trường đại học. Nhưng vì gia cảnh khó khăn, anh quyết định chuyển sang học nghề.
Nhưng học nghề gì, làm nghề gì cũng thật là quá khó với một người khuyết tật như anh.
Theo đuổi đam mê…
“Vì rất thích nghệ thuật, nên tôi đã chọn nghề gỗ mỹ nghệ để theo học. Tôi xin học nghề một thầy tại một xưởng ở trong xã. Lúc đầu, thầy không đồng ý, vì làm nghề này người khỏe mạnh đã khó, huống hồ người khuyết tật. Thuyết phục mãi, tôi bảo cho làm thử, nếu được thì thầy nhận cũng không muộn. Thầy đồng ý cho tôi làm thử, rồi thấy tôi cần cù, tỉ mỉ nên đã nhận tôi làm học trò.”, anh Điệp nhớ lại ngày đầu “chập chững” với nghề gỗ.
Trong quá trình học, anh luôn đi sớm về muộn, “Tôi tự nhủ, mình là người khuyết tật nên phải cố gắng gấp đôi người bình thường”.
Người ta chỉ học 6 tháng, còn tôi phải học ròng rã một năm trời, học cả ngày lẫn đêm. “Tôi học đến độ các bạn đã ra nghề, kiếm tiền, tôi vẫn xin học tiếp”, anh thật thà kể lại.
Rồi thời gian học cũng xong, anh tiếp tục xin làm trong xưởng của thầy 3 năm sau đó với thu nhập khoảng 300.000 đồng/tháng.
Nhưng để tiến được xa hơn trong lĩnh vực đồ mỹ nghệ, anh muốn đi nhiều nơi khác, học thêm cách làm những sản phẩm khác, đi sâu vào những tinh túy của nghề mộc mỹ nghệ truyền thống.
“Nghe tin tôi có ý định ra khỏi làng để đi học tiếp về nghề trạm mộc, cả bố tôi cũng không đồng ý, ông khuyên tôi “ở nhà cho lành con ạ”. Hơn nữa, bây giờ làm ở gần nhà, làm được tiền để nuôi sống bản thân như vậy là tốt lắm rồi, còn viển vông đi đâu nữa”.
Nhưng, “tôi đã quyết thì nhất định phải thực hiện”, và “dứt áo ra đi”. Lúc đầu, tôi đến làng La Xuyên, Ý Yên, Nam Định để học làm đồ thờ.
“Khi nhìn thấy tôi, người ta nhìn đôi chân tàn tật của tôi với ánh mắt nghi ngờ lắm. Nhưng một lần nữa tôi phải thuyết phục họ, chấp nhận làm không công để được học nghề”, anh Điệp nhớ lại.
Sau đó anh lại lại lên Từ Sơn, Bắc Ninh để học làm ghế tràng kỷ. Rồi anh phiêu dạt tận quận Lê Chân, Hải Phòng học tiếp tại xưởng sản xuất cả đồ thờ lẫn ghế tràng kỷ. “Sau mấy năm “lang thang” khắp nơi, khi thấy mình đã học được nhiều điều về nghề gỗ mỹ nghệ, tôi quyết định về quê lập nghiệp”.
Vươn lên làm ông chủ…
Về quê năm 2002, anh quyết định mở xưởng sản xuất đồ gỗ ngay tại nhà. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng: không vốn, không máy móc thiết bị, không khách hàng..., bao khó khăn đè nặng lên đôi vai chàng trai khuyết tật. Ước mơ mở xưởng để làm nghề và giúp những người khuyết tật khác thôi thúc anh chạy khắp nơi, vay mượn được số tiền nhỏ và mua sắm một số máy móc, thiết bị cần thiết.
“Lúc đầu tôi cũng hoảng lắm, bố mẹ thì can ngăn nhưng đã quyết là làm. Tôi đến các cơ sở chạm khắc lớn, xin nhận lại đơn hàng của họ với cam kết “không đảm bảo chất lượng không lấy tiền”, họ đã tin tưởng và cho làm”, anh Điệp chia sẻ về giai đoạn khởi nghiệp đầu đầy khó khăn của mình.
Anh Lại Văn Điệp đang tận tình hướng dẫn những học viên khuyết tật những nét chạm khắc đầu tiên.
Sau giai đoạn đầu khó khăn, dần dần anh đã có những khách hàng riêng của mình. Khi khách hàng tìm đến ngày càng đông hơn cũng là lúc các sản phẩm đồ thờ, đồ gỗ mỹ nghệ do bàn tay anh làm ra đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
“Đến đây thì tôi đã nghĩ là mình bắt đầu thực hiện ước mơ thứ hai của mình là truyền nghề cho những người có cùng cảnh ngộ, những người khuyết tật có công ăn việc làm”, anh Điệp chia sẻ.
Đến năm 2006, khi có được 40 triệu đồng, anh Điệp mua một mảnh đất cạnh nhà để mở rộng xưởng mộc lên và mở lớp dạy nghề cho 7 người, trong đó có 4 người khuyết tật. Sau khi thành nghề, số học viên này được anh nhận làm thợ chính thức trong cơ sở.
Bốn năm sau, anh lại mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị chuyên dùng và đào tạo thêm 12 thợ, đưa tổng số lao động lên 19 người (trong đó 11 trường hợp là người khuyết tật), tạo việc làm với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của xưởng lúc này đạt khoảng 1,8 tỷ đồng/năm.
Sau nhiều nỗ lực, anh đã nhận được nhiều danh hiêu, giải thưởng cao quý
Với quan điểm “Danh có chính thì ngôn mới thuận”, để mọi người biết đến mình nhiều hơn, năm 2011, Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật do anh đứng tên được thành lập. Với 18 lao động trong đó có 11 người khuyết tật, Công ty tập trung sản xuất đồ thờ, ghế đi - văng quy mô lớn và khép kín (tự mua gỗ, tự sản xuất, tự tiêu thụ sản phẩm), doanh thu đạt trung bình 2 tỷ/năm.
Sản phẩm của Công ty không chỉ được tiêu thụ ở Thái Bình mà còn vươn ra các tỉnh thành lân cận như Nam Định, Hải Phòng, đưa vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ…
Vượt lên được số phận, giúp đỡ cho nhiều người khác có hoàn cảnh khó khăn, hạnh phúc với anh còn là một người vợ dịu hiền, chịu khó và sẵn sàng hỗ trợ chồng bất kể khó khăn, vất vả.
Đúc kết lại quãng đường đã qua của mình, anh Điệp tâm huyết: “Học được nghề, thành đạt và có được ngày hôm nay là cả một quãng đường dài đầy mồ hôi và nước mắt. Nhưng trong tôi lúc nào cũng có niềm tin, nếu mình nỗ lực hết sức, thành công sẽ đến cho dù muộn hơn mọi người”.
Bây giờ, anh Điệp có một nguyện vọng lớn là chính quyền xã tạo điều kiện thuê mặt bằng tại mảnh đất bên cạnh, được vay thêm được vốn để mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh và làm cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật.
“Ở Thái Bình và Kiến Xương quê tôi vẫn còn nhiều người khuyết tật lắm, muốn giúp họ có được cái nghề, tự lập cuộc sống cần phải có nguồn hỗ trợ và sự chung tay của cả cộng đồng bởi “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, anh Điệp tâm sự./.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội khóa 12, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình: Bản thân anh Điệp là một người tàn tật, nhưng với nghị lực phi thường, anh đã vượt lên số phận để làm được những việc mà nhiều người khác không làm được. Anh không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn tạo được việc làm cho người khuyết tật, tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong xã. Anh xứng đáng là tấm gương của người khuyết tật tiêu biểu vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất nông thôn.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ tốt nhất để sản phẩm của doanh nghiệp Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật Lại Văn Điệp được quảng bá rộng khắp. Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng, ngân hàng tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn trong thời gian tới.
Nguồn: tienlenvietnam.vn/chuyen-co-tich-hien-dai-ve-ong-chu-bi-khuyet-tat-77338.html
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn