Việt Nam là quốc gia có dân số đứng đầu Đông Nam Á với hơn 90 triệu người, trong đó hơn 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn nên việc phát triển kinh tế nông nghiệp được xem là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong gần 30 năm qua kể từ khi đất nước bước vào đổi mới, Đảng và Chính phủ luôn khuyến khích, động viên, hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ vào công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Văn kiện Đại hội lần thức XII của Đảng cũng đã xác định: “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”.
Để có thể thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tích cực, kêu gọi sự chung tay giúp sức và vào cuộc của nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó không thể không kể đến vai trò tiên phong to lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Đây chính là mũi nhọn, bước đột phá nhằm huy động tốt nhất nguồn lực tổng hợp cho việc phát triển nông nghiệp nông thôn.
Mặc dù vậy, thời gian qua do sự thiếu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhiều cơ chế chính sách còn bất hợp lý nên sự vào cuộc của các Doanh nghiệp hiệu quả còn rất hạn chế.
Nhằm chỉ ra những tiềm năng và lợi ích to lớn khi đầu tư vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, những hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sự đầu tư của các doanh nghiệp, qua đó đề ra giải pháp phù hợp và kịp thời giúp các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo đà cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đưa Việt nam sánh vai với các nước tiên tiến trong khu vực, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát triển Kinh tế Nông nghiệp – Giải pháp cho Doanh nghiệp Việt Nam” từ 14h00 – 17h00 ngày 08/12 tại Hội trường 3, tầng 7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, số 9 Đào Duy Anh – Đống Đa – Hà Nội.
Dự kiến, tọa đàm sẽ có sự tham gia của Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng – Ủy viên BCH TW Hội Nông dân Việt Nam, Chuyên gia Nông nghiệp – Sinh học; Ông Trần Công Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NN – NT; Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; Ông Ngô Tiến Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội các DN Ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp; Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống Cây trồng Thái Bình; Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Phúc; Ông Lê Bá Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang); Ông Nguyễn Tiến Ky -CVP Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh hóa.
Phát biểu khai mạc, ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết: Phát triển kinh tế Nông nghiệp có thể nói là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược đã được Đảng và Nhà nước xác định trong tiến trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Như chúng ta đã biết, để chính sách tam nông (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) thực sự phát huy hiệu quả, thì vai trò của nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong mối liên kết 4 nhà là vô cùng quan trọng, đặc biệt là vai trò của nhà doanh nghiệp.
Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết số 09 về phát huy vai trò của DN-DN trong quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Vậy vấn đề đặt ra, thực trạng ngành nông nghiệp đã phát triển tương xứng tiềm năng hay chưa và với tiềm năng phát triển đó thì sự quan tâm của các doanh nghiệp như thế nào? Làm thế nào để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp?
Ông Lại Hợp Nhân – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Hy vọng rằng, với sự tham gia tọa đàm của các nhà khoa học, đại diện các viện nghiên cứu chiến lược, các hiệp hội DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các DN đầu tế vào lĩnh vực nông nghiệp và đại diện địa phương, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp khơi dậy và phát huy tiềm năng kinh tế địa phương, góp phần cho kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
– Là một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp và đã từng đi rất nhiều địa phương trên cả nước, xin phép hỏi GS Nguyễn Lân Hùng: GS đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp của Việt Nam cũng như thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng – Ủy viên BCH TW Hội Nông dân Việt Nam: Là người làm việc với bà con nông dân nhiều, có nhiều thông tin của bà con, đứng về phía bà con nông dân nhìn lên, bà con luôn phát huy được nhiều tiềm năng nhưng lâu nay tiềm năng đó chưa được phát huy hết.
Hiện nay, chúng ta đã có 1 Chính phủ mới hết sức quan tâm đến việc phát triển đất nước, một Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp năng động đã huy động được lực lượng khoa học trong và ngoài ngành phối hợp với nhau, động viên chúng tôi phát huy hết tiềm năng.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng – Ủy viên BCH TW Hội Nông dân Việt Nam
Chúng ta đang bước vào giai đoạn biến đổi khí hậu quá mạnh, Việt Nam là 1 trong những nước chịu ảnh hưởng lớn. Gần đây chúng ta liên tiếp gặp các vấn đề như hạn hán, lụt lội, nên việc chuyển đổi rất khó khăn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói: Ứng phó với biến đổi khí hậu phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đồng thời phải vừa chủ động thích nghi vừa ứng phó.
Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam: Chúng tôi rất mừng chưa đầy 1 tuần, tại VCCI có 2 buổi toạ đàm đều xoay quanh chủ đề doanh nghiệp đối với phát triển nông nghiệp.
Tại toạ đàm đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, VCCI đã rất lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp trên tinh thần lắng nghe để hành động.
Cuộc toạ đàm hôm nay, tôi cũng đánh giá rất cao bởi đã nói lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Ngành Nông nghiệp Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu rất lớn, đáng tự hào. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, bức tranh của nền nông nghiệp đang rất cần sự tham gia đóng góp từ phía doanh nghiệp và đã đến lúc chúng ta phải nói tới câu chuyện đó và cần có giải pháp để thực hiện.
Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam
Sau 3 năm thực hiện tái cấu trúc nền nông nghiệp, chúng ta đã làm được một số việc. Tuy nhiên, đáp ứng được mong mỏi yêu cầu của nền kinh tế thì còn khá khiêm tốn. Có lẽ trong 3 năm tái cấu trúc nền nông nghiệp, những người lãnh đạo mới thấy rõ hơn việc cần thiết phải đưa ra giải pháp thiết thực làm sao thu hút được doanh nghiệp tham gia vào phát triển nông nghiệp nông thôn. Nhưng muốn giải quyết được việc này, chúng ta phải có sự thay đổi tư duy từ cơ chế đến chính sách mới giải quyết được vấn đề.
Nguồn: http://enternews.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn