Hội Doanh Nhân Lại Việt

http://doanhnhanlaiviet.com


Ông Lại Minh Chức - Bán cả gia tài để chế máy phân loại rác

Ông Lại Minh Chức - Bán cả gia tài để chế máy phân loại rác

Thứ năm, 16/8/2012 | 16:05 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Bán cả gia tài để chế máy phân loại rác

Quyết định nghỉ việc khi đang là nghiên cứu viên khoa học của Viện Kiến trúc nhiệt đới thuộc Đại học kiến trúc Hà Nội, ông Lại Minh Chức đã bán cả gia sản rồi trở về quê để nghiên cứu tổ hợp máy phân loại rác thải.

s

Loại máy của ông Chức có nhiều ưu điểm hơn so với rất nhiều loại máy phân loại xử lý rác đắt tiền mà nhiều nước đang sử dụng hiện nay, giúp giải phóng và giảm thiểu sức lao động cho con người trong môi trường độc hại. Ảnh: Văn Định.

Lại Minh Chức chào đời vào năm 1955 ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Lớn lên ông tham gia cách mạng ở chiến trường miền nam hơn 15 năm. Sau khi rời quân ngũ ông làm giám đốc một công ty ở Hải Phòng. Nhưng đến năm 1991, vì say mê nghiên cứu khoa học nên từ một giám đốc của công ty đang kinh doanh thuận lợi ông Chức cũng quyết định giải thể công ty rồi theo học lớp quản trị doanh nghiệp Trường đại học kinh tế quốc dân. Ngay trong thời gian đang học, ông đã nghiên cứu phương pháp chế tạo vật liệu mới thay gỗ (sản xuất nội thất bằng gỗ nhân tạo). Vật liệu của ông đã được hội đồng khoa học kỹ thuật Hải Phòng đánh giá xuất sắc và năm 1998 đạt giải thưởng sáng tạo khoa học Vicotex.

Tốt nghiệp đại học, Lại Minh Chức làm việc tại trung tâm nghiên cứu sở khoa học Hải Phòng. Đến năm 2007, ông được mời làm chuyên gia kỹ thuật và quản lý nhà máy xử lý rác thải Seraphin ở Sơn Tây, rồi làm cho Viện Kiến trúc nhiệt đới (Đại học kiến trúc Hà Nội).

Trong quá trình làm tại đây ông trăn trở vì công nghệ xử lý rác cần rất nhiều người lao động trực tiếp nhận rác.

“Đây là việc làm vi phạm nguyên tắc vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, biến người lao động thành trung gian phân tán dịch bệnh ra xã hội.

"Ý tưởng chế tạo ra một tổ hợp máy phân loại rác thải thông minh đã bắt đầu tồn tại trong đầu tôi từ khi đó. Mục tiêu của tôi là giảm thiểu tối đa độc hại từ rác, để có thể phân loại rác thải dễ dàng mà không cần đến lượng công nhân nhiều như hiện nay”, ông nói.

Để biến ý tưởng thành hành động, tháng 11/2008 ông thôi việc tại Viện kiến trúc nhiệt đới với mức thu nhập ổn định và bắt đầu cuộc sống không lương ở nhà máy xử lý rác thải ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông đã bán hết gia sản, ô tô, một nghìn mét vuông đất ở quê và cả ngôi nhà của cô em gái để mua vật liệu. Số tiền ông thu về là hơn 3 tỷ đồng.

Quyết định liều lĩnh của kỹ sư Chức khiến vợ, con và nhiều người trong gia đình lo ngại. Họ dùng mọi cách để khuyên can vì cho rằng ý tưởng đó xa vời nhưng thấy ông cương quyết và đam mê với công trình nghiên cứu nên cuối cùng gia đình cũng ủng hộ.

may-2-1349870555_480x0.jpg

Những thiết bị của ông Chức được tích hợp trong một module có diện tích 20 m2, trong khi nhà máy Seraphin chiếm diện tích khoảng 1200 m2. Công nhân có thể điều khiển máy từ xa. Ảnh: Văn Định.

Bỏ lại vợ con, Lại Minh Chức trở về Kim Bảng, tỉnh Hà Nam để nghiên cứu. Trong suốt 9 tháng thời ông chỉ đi ra ngoài 5 ngày, mỗi ngày ngủ nhiều nhất 4 giờ, thời gian còn lại ông dành cho bản vẽ, các thiết bị sắt thép, con số tính toán, vòng bi, tĩnh điện.

“Ngày nào tôi cũng lăn lộn trong bãi rác, tắm rửa tới lần thứ ba rồi vội gác lại công việc một, hai ngày để về với vợ con. Nhưng vừa về đến nhà đứa con liền bảo: Biết ngay là bố về bởi vì người bố còn nồng nặc mùi rác. Một hôm mưa gió lụt lội đến ngang đầu gối. Người và máy móc đánh vật với nhau, tôi nghĩ có lẽ cuộc đời của mình sinh ra để nghiên cứu về rác nên tôi càng say mê với công việc chế tạo”, ông kể.

Suốt gần hai năm mày mò nghiên cứu và sống trong bãi rác còn nhiều hơn sống ở nhà, hằng ngày ông vẫn miệt mài sáng tạo. Ông gặp vô số khó khăn và thất bại, với nhiều lần tháo ra, lắp vào. Đến tổ hợp máy thứ 3 thì công việc mới hoàn thiện và ông quyết định chạy thử nghiệm. Không có tiền thuê nhân công nên hơn 30 tấn sắt, thép với 80% các công đoạn của ba tổ hợp máy phân loại rác thải đều qua tay ông. Trong quá trình thử nghiệm, máy phân loại 100 tới 150 tấn rác mỗi ngày.

Theo ông Chức, thiết bị này được lập trình sẵn qua thiết bị số tự động nên có thể phân loại rác thành 7 nhóm phù hợp (mùn hữu cơ thô, nilon màng mỏng và nhựa, rác thải mùn hữu cơ có nguồn gốc thực vật, cát, sạn thủy tinh vụn, gạch đá vật liệu thô, sắt thép kim loại và rác thải cá biệt) với các công nghệ tác chế hiện nay. 7 đầu ra của rác đều được gắn camera theo dõi. Hoạt động của cả tổ hợp máy được xử lý trên máy vi tính thông qua phòng điều khiển. Hai công nhân có thể đứng từ xa điều khiển hoạt động của cả 1 hệ thống (một công nhân điều khiển và một công nhân nạp rác).

Trong khi đó các công nghệ phân loại rác hiện hành tại Việt Nam hiện nay đang cần tới gần 100 công nhân phân loại rác ban đầu. Quy trình phân loại xử lý của máy đều được thực hiện trong không gian khép kín nên ngăn chặn được sự phân tán khí có mùi độc hại, vi khuẩn gây bệnh ra môi trường, loại bỏ nguy cơ nhiễm bệnh cho người lao động.

Phòng điều khiển hệ thống phân loại rác. Ảnh: Văn Định.

Phòng điều khiển hệ thống phân loại rác. Ảnh: Văn Định.

Máy tự động phân phối lượng rác vào máy cắt phù hợp với từng loại và công suất máy, có thiết bị băm cắt thông minh cho phép tự cắt xé bao, gói và lựa chọn loại rác cần cắt nhỏ theo yêu cầu của công nghệ phân loại và tái chế. Ngoài ra, máy có thể cắt nhỏ các loại rác hữu cơ có nguồn gốc động, thực vật để sản xuất phân bón vi sinh phục vụ cho nông nghiệp; nghiền nhỏ rác thải vô cơ. Công nghệ cho phép giảm từ 70 đến 85% thể tích chôn lấp so với các công nghệ hiện nay, giảm thời gian phân hủy nên tăng được sản lượng và sớm thu hồi được khí gas, thu hồi mùn hữu cơ sinh học. Nó làm giảm thời gian quay vòng hố chôn lấp hàng chục năm so với công nghệ mà các công ty môi trường đang áp dụng.

Máy của ông Chức thay thế 100% lao động sử dụng trong công đoạn phân loại rác bằng tay - điều mà nhiều máy xử lý rác trên thị trường trong và ngoài nước chưa đạt được. Ông Chức cho biết năng lượng điện mà nó sử dụng chỉ bằng 30% so với nhà máy ở Sơn Tây và công nghệ của Bỉ hiện tại ở Hà Nam.

Sản phẩm trên của kỹ sư Lại Minh Chức đã được Hội đồng Sở Khoa học-Công nghệ Hà Nam nghiệm thu đánh giá và xếp loại xuất sắc năm 2011. Nếu kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi, hàng chục nghìn lao động sẽ không phải làm việc trong môi trường lao động nguy hiểm độc hại. Chi phí phân loại rác sẽ giảm nhiều lần và hiệu quả tái chế rác sẽ tăng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây