Doanh nhân Lại Văn Điệp: Đứng vững trên đôi chân tật nguyền
- Thứ năm - 05/03/2020 13:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vượt lên với đôi chân tật nguyền
Anh Lại Văn Điệp, một người khuyết tật ở xã Vũ Ninh (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã làm được những điều phi thường, trở thành Giám đốc doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm cho trên 30 lao động, chủ yếu là những người khuyết tật từng có hoàn cảnh bất hạnh như anh.
Doanh nhân Lại Văn Điệp khác xa so với những mường tượng của tôi trước đó về anh. Người đàn ông cao chưa đầy 1,4m với đôi chân teo tóp, tật nguyền, nhưng dáng đi lại rất nhanh nhẹn. Tôi chắc, ai gặp anh lần đầu cũng sẽ ấn tượng với đôi mắt sáng, giọng nói hào sảng và khuôn miệng luôn “túc trực” nụ cười. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau nụ cười đó, là những năm tháng tuổi thơ anh Điệp phải sống trong sự mặc cảm với bao ánh nhìn kỳ thị, hiếu kỳ.
Một ngày năm 1978, Lại Văn Điệp chào đời khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường. Tai họa ập đến khi cậu bé Điệp mới 9 tháng tuổi, sau một trận sốt cao, rồi biến chứng, bị liệt nửa người, đôi chân hoàn toàn không cử động được. Gần 3 năm trời, cha mẹ đưa Điệp đi chạy chữa khắp nơi, ai mách ở đâu có thầy giỏi, thuốc tốt, là cả nhà lại khăn gói lên đường. Nhưng đi đến đâu, bác sĩ cũng lắc đầu, bó tay. Bố mẹ Điệp ôm con về nhà trong sự đau đớn vô hạn, toàn thân Điệp bất động, chỉ còn đôi mắt là tinh anh.
Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ đầy nước mắt, Lại Văn Điệp kể: “Năm lên 2 tuổi, tôi vẫn không cử động được. Rất may, một đồng đội cùng đơn vị cũ của bố biếu một lạng cao hổ cốt và mấy lạng mỡ trăn đem về cho tôi ăn. Và phép màu đã xảy ra, một thời gian sau, tôi cử động được. Đến năm thứ 4, tôi có thể ngồi dậy, nhưng bị teo cơ chân tay. May mắn, tay phải của tôi không bị teo và vẫn khỏe mạnh bình thường, chân trái bị teo nhưng vẫn cử động được. Thế là, tôi tập lê trong nhà, rồi lê sang hàng xóm, đầu móng chân, móng tay tóe máu, nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc”.
Năm lên 6 tuổi, Điệp tập đi trên đôi nạng gỗ tự tay bố đẽo đục. 11 tuổi, Điệp bắt đầu đi vững, thấy các bạn cùng trang lứa được đi học, được vui chơi, anh cũng xin bố mẹ cho đi học lớp 1. Trong những bước đi xiêu vẹo, hàng ngày, Điệp vẫn cắp sách đến trường. Những ngày đầu đến lớp, Điệp bị bạn bè trêu ghẹo, nhưng luôn tự nhủ: nếu mình không cố gắng, thì sẽ bị coi thường đến hết cuộc đời. “Chính vì thế, tôi mới có thể theo học được hết 9 năm”, anh Điệp bồi hồi nhớ lại.
Lên cấp III, vì điều kiện sức khỏe yếu, trường lại xa nhà, nên anh đành phải nghỉ học giữa chừng.
Nghỉ học không có nghĩa là trở về với chiếc xe lăn, là chấp nhận buông xuôi cuộc đời mình. Điệp bảo, lúc đó, anh nung nấu ý nghĩ, phải học được cái nghề nào đó, để ít nhất cũng có thể tự nuôi sống bản thân. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định đi học nghề mộc. Thế nhưng, khi anh được bố chở đi xin học nghề, thì không nơi nào chịu nhận. Họ bảo, anh đi còn không vững, thì làm sao có thể theo được cái nghề cần nhiều sức khỏe này.
Hai cha con vẫn quyết không bỏ cuộc. Và ông trời không phụ lòng người, cuối cùng, Điệp cũng được nhận vào một xưởng dạy nghề với điều kiện “phải cố gắng gấp năm, gấp mười người khác”. Anh kể: “Càng học, tôi càng thấy mình đam mê với nghề chạm khắc. Mỗi khi bắt tay vào việc và hoàn thành một sản phẩm, tôi có cảm giác như mình là người nghệ sĩ, vừa sáng tác xong một tác phẩm hoàn chỉnh vậy”.
Doanh nhân Lại Văn Điệp: Đứng vững trên đôi chân tật nguyền. Ảnh: Nguồn Internet |
Theo đuổi đam mê… vươn lên làm ông chủ
Hai năm miệt mài, đôi bàn tay của Điệp đã thành thục với nghề. Anh được nhận vào làm tại xưởng với mức lương đủ nuôi sống bản thân, nhưng đó là cả một kỳ tích với một người không lành lặn như anh.
Năm 2001, Điệp có một quyết định bất ngờ, mà khi đó, nhiều người cho là “bất khả thi”. Anh mượn tạm ngôi nhà bỏ không của người bạn trong làng, vay người thân mua đồ nghề để mở xưởng mộc.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, không vốn, không máy móc thiết bị, không khách hàng..., bao khó khăn đè nặng lên đôi vai chàng trai khuyết tật. Xưởng mộc mới ra đời chưa có thương hiệu, nên gần như không có khách hàng. Điệp bảo, ngồi cả ngày không có khách, thậm chí ngày này qua ngày khác cũng không có khách, anh đã từng nản chí và nhiều lần muốn buông bỏ. Nhưng rồi, anh lại tự động viên bản thân, đến các xưởng mộc khác trong xã xin nhận gia công sản phẩm, tìm đến từng nhà có đồ gỗ hỏng để sửa miễn phí cho họ. Tiếng lành đồn xa, các sản phẩm đồ thờ, đồ gỗ mỹ nghệ của Điệp ngày càng được ưa chuộng, khách hàng tìm đến ngày một đông.
Năm 2001 cũng là năm “đại hỷ” với Điệp khi anh kết hôn với người con gái mình đã “thầm thương, trộm nhớ” từ lâu. “Hạnh phúc như từ trên trời rơi xuống, trước đó, dù trong mơ tôi cũng không bao giờ dám mơ xa vời như thế”, Điệp xúc động chia sẻ.
10 năm sau khi mở xưởng mộc đầu tiên, Điệp mở rộng cơ sở sản xuất, thành lập Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật. “Công việc ngày một thuận lợi, nhờ đó, tôi tạo thêm nhiều việc làm hơn cho người dân quê hương”, Điệp vui vẻ nói.
Từ hơn 10 lao động vào năm 2011, công ty của anh hiện có trên 30 lao động thường xuyên với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ, trong đó, phần lớn lao động là người khuyết tật được anh Điệp tiếp nhận và dạy nghề.
Hiện tại, doanh nhân Lại Văn Điệp là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Lương Định Của tỉnh Thái Bình. Ngoài ra, anh còn sinh hoạt trong Hiệp hội Doanh nhân tỉnh Thái Bình và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật huyện Kiến Xương (Thái Bình). Anh Điệp còn rất tích cực tham gia công tác xã hội, thường xuyên kết hợp với các tổ chức, cá nhân trao hàng trăm suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, Tết. Mỗi năm, anh trao tặng trên 30 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, giúp hàng chục hội viên vay vốn khởi nghiệp…
Vượt lên được số phận, giúp đỡ cho nhiều người khác có hoàn cảnh khó khăn, hạnh phúc với anh còn là một người vợ dịu hiền, chịu khó và sẵn sàng hỗ trợ chồng bất kể khó khăn, vất vả.
Đúc kết lại quãng đường đã qua của mình, anh Điệp tâm huyết: “Học được nghề, thành đạt và có được ngày hôm nay là cả một quãng đường dài đầy mồ hôi và nước mắt. Nhưng trong tôi lúc nào cũng có niềm tin, nếu mình nỗ lực hết sức, thành công sẽ đến cho dù muộn hơn mọi người”.
Bây giờ, anh Điệp có một nguyện vọng lớn là chính quyền xã tạo điều kiện thuê mặt bằng tại mảnh đất bên cạnh, được vay thêm được vốn để mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh và làm cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật.
“Ở Thái Bình và Kiến Xương quê tôi vẫn còn nhiều người khuyết tật lắm, muốn giúp họ có được cái nghề, tự lập cuộc sống cần phải có nguồn hỗ trợ và sự chung tay của cả cộng đồng bởi “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, anh Điệp tâm sự.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Đại biểu Quốc hội khóa 12, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình: Bản thân anh Điệp là một người tàn tật, nhưng với nghị lực phi thường, anh đã vượt lên số phận để làm được những việc mà nhiều người khác không làm được. Anh không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn tạo được việc làm cho người khuyết tật, tạo việc làm cho nhiều thanh niên trong xã. Anh xứng đáng là tấm gương của người khuyết tật tiêu biểu vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất nông thôn.
“Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ tốt nhất để sản phẩm của doanh nghiệp Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật Lại Văn Điệp được quảng bá rộng khắp. Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng, ngân hàng tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh hơn trong thời gian tới”.
Văn Khương